Đau thắt ngực là biểu hiện của thiếu máu cục bộ cơ tim gây ra bởi sự mất cân bằng giữa việc cung cấp máu cho cơ tim và nhu cầu oxy của cơ tim. Điều này có nghĩa rằng động mạch vành tim không cấp đủ máu cho nhu cầu hoạt động của cơ tim. Đây là triệu chứng báo hiệu bệnh mạch vành. Lúc này, các động mạch vành bị mảng xơ vữa đóng trên thành mạch gây hẹp lòng mạch vành nên không cấp máu đủ cho cơ tim hoạt động.
Đặc tính điển hình của đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực điển hình được mô tả gồm 3 đặc tính sau:
1. Đau hay cảm giác khó chịu vùng giữa ngực
Thông thường người bệnh gặp cảm giác khó chịu nhiều hơn cảm giác đau. Người bệnh mô tả cảm giác:
• Cảm giác khó chịu: đè nặng, bóp nghẹt, siết chặt, nghẹn thở, hay bỏng rát vùng giữa ngực.
• Cảm giác đau: có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, ra sau lưng hay lan ra mặt trong cẳng tay trái hay lan xuống bụng (chấn thủy).
Thông thường, khi bác sĩ hỏi bệnh nhân chỉ vị trí đau thì bệnh nhân không thể chỉ chính xác vị trí đau bằng một ngón tay mà chỉ có thể dùng cả nấm tay chỉ vào vùng giữa ngực. Nếu cơn đau xảy ra khi dùng tay ấn vào thành ngực thì cơn đau không phải do tim mà do các bệnh lý ở thành ngực.
2. Yếu tố xuất hiện cơn đau
Các triệu chứng này có thể xuất hiện do gắng sức, ăn no, gặp lạnh hay xúc động mạnh và kéo dài dưới 10 phút. Mức độ đau không thay đổi theo hô hấp, ho hay thay đổi tư thế. Nếu cơn đau chỉ kéo dài vài giây thì thường không phải là đau thắt ngực do tim.
3. Thời điểm cơn đau mất đi
Các triệu chứng này có thể mất đi khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc nitroglycerine (thuốc giãn mạch vành dùng xịt dưới lưỡi hay ngậm dưới lưỡi) hay cả hai.

Trên đây là 3 điều kiện mà cơn đau thắt ngực phải thỏa để được gọi là cơn đau thắt ngực điển hình. Nếu chỉ thỏa 2 trong 3 điều kiện trên, đây được gọi là đau thắt ngực không điển hình. Bệnh nhân nữ thường có kiểu đau này hơn.
Ví dụ, một bệnh nhân nữ trung niên bị đau thắt ngực vùng dưới vú trái khi bưng vật nặng và hết khi thôi bưng thì đây là đau thắt ngực không điển hình. Để chẩn đoán và đánh giá mức độ nguy cơ khi bạn bị đau thắt ngực không điển hình, bác sỹ cũng sẽ chỉ định cho bạn làm một số khảo sát như trên.
Thông thường, bệnh nhân nam giới hay gặp kiểu đau thắt ngực điển hình này. Để đánh giá mức độ nguy cơ khi bạn bị đau thắt ngực điển hình, bác sĩ tim mạch sẽ chỉ định thực hiện một số khảo sát cận lâm sàng như điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, xạ hình cơ tim v.v…
Triệu chứng khác của thiếu máu cục bộ cơ tim
Thiếu máu cục bộ cơ tim còn có thể có các triệu chứng khác gọi là các biểu hiện không điển hình của thiếu máu cơ tim như:
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Ăn không tiêu
- Đau bụng giống như loét dạ dày-tá tràng hay viêm túi mật
- Thậm chí không có triệu chứng (gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng)
Phụ nữ, người lớn tuổi, người bị đái tháo đường thường có các biểu hiện không điển hình của thiếu máu cơ tim. Điều kỳ lạ là thiếu máu cơ tim yên lặng lại là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh mạch vành.

Trong một nghiên cứu ghi nhận có tới 75% các đợt thiếu máu cục bộ cơ tim là không có triệu chứng. Nghiên cứu khác trên 500 bệnh nhân nữ bị thiếu máu cục bộ cơ tim cho thấy có 42% bệnh nhân có triệu chứng khó thở, 71% mệt mỏi, 30% đau thắt ngực. Để chẩn đoán thiếu máu cơ tim trong trường hợp có biểu hiện không điển hình, bác sĩ tim mạch sẽ chỉ định làm điện tâm đồ gắng sức hay đo nhật ký điện tâm đồ 24 giờ.
Thiếu máu cục bộ cơ tim với triệu chứng báo động là đau thắt ngực, phải luôn được chúng ta cảnh giác và đi khám bệnh kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nặng hơn về sau như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử. Người có các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành (thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, lớn tuổi, ít vận động, tiền sử gia đình) nên đi tầm soát bệnh mạch vành cho dù không có triệu chứng đau thắt ngực.
Khi đã có chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim, bác sĩ tim mạch sẽ lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu tùy theo các bệnh khác mà bạn cùng lúc mắc phải và yếu tố nguy cơ. Điều quan trọng là bạn phải phòng bệnh mạch vành bằng lối sống lành mạnh như siêng vận động, bỏ hút thuốc, xây dựng chế độ ăn giảm chất béo bão hòa, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường.
Cùng tìm hiểu về nhịp tim và huyết áp
Tìm hiểu thêm về tăng huyết áp
Chia sẻ thêm về tăng huyết áp
Đọc và hiểu thêm về điều trị tiểu đường thai kỳ
Như thế nào là chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp
Xem thêm cơn đau thắt ngưc
Xem thêm về thức ăn dành cho người tiểu đường
Tìm hiểu thêm phối hợp thuốc huyết áp